Việc điều trị bệnh nhân ung thư biểu mô đầu và cổ giai đoạn cuối có nhiều thách thức và đòi hỏi liệu trình điều trị khác biệt từng ngày. Sự phức tạp và đa dạng trong bộ phận của khối u đòi hỏi phương pháp trị liệu cụ thể và cá nhân hóa với từng bệnh nhân bên cạnh thuốc, hóa trị và xạ trị. Hơn nữa, khi bệnh nhân bước vào giai đoạn mà các biện pháp tiêu diệt khối u không còn hiệu quả, chăm sóc giảm nhẹ mới là trọng tâm của việc điều trị. Mục tiêu điều trị lúc này là làm giảm đau, đảm bảo bệnh nhân đủ chất dinh dưỡng, mở đường thở, khuyến khích bệnh nhân giao tiếp xã hội. Nói tóm lại, là giảm nhẹ các triệu chứng và vấn đề cảm xúc liên quan tới ung thư của bệnh nhân.
Các vết loét do ung thư đầu và cổ gây ra những thách thức rất lớn về thể chất và tinh thần của bệnh nhân, gia đình và ngay cả những y tá giàu kinh nghiệm nhất. Những bệnh nhân với những khối u không còn hy vọng chữa trị ở giai đoạn cuối thường xuyên phải chịu đựng các vết thương mãn tính nhiễm trùng rất nặng gây ra bởi các tế bào hoại tử do khối u phát triển quá mức, phản ứng miễn dịch hệ thống và cục bộ quá yếu, và nhiều bệnh cơ hội kèm theo. Những vết thương này đau đớn, có mùi hôi, tiết dịch, chảy máu và nhìn rất thiếu thẩm mỹ. Chúng khiến bệnh nhân tự ti về cơ thể mình, khiến họ muốn cô lập bản thân trong khi đây là thời điểm họ cần đến giao tiếp xã hội nhiều nhất. Do vết thương rất dễ bị tổn thương, sát trùng cục bộ vùng khối u bị nhiễm trùng nặng thường phức tạp do chảy máu, đau đớn và sự khó chịu của bệnh nhân .
Plasma lạnh (CAP) được biết đến về mặt lâm sàng với khả năng bất hoạt vi sinh vật gây bệnh, trở thành cách tiếp cận chính trong chăm sóc giảm nhẹ cho những bệnh nhân này nhằm giảm mùi hôi, chảy máu, ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm nhẹ gánh nặng tâm lý cho người bệnh, gia đình.
Trong một nghiên cứu lâm sàng năm 2017 được thực hiện trên sáu bệnh nhân tại Đức, điều trị CAP được kết hợp trong liệu pháp giảm nhẹ thông thường đối với các vết loét nhiễm trùng do ung thư đầu và cổ gây ra. Nghiên cứu sử dụng tia plasma lạnh từ thiết bị kINPen® MED, kích thước tia tùy chỉnh theo tình trạng, diện tích vết thương, liều lượng 1 phút/cm2 với khoảng cách khoảng 10mm. Điều trị bằng tia plasma được thực hiện 2-3 ngày một lần kết hợp cùng quy trình chăm sóc vết thương ung thư thông thường.
Dưới đây ghi lại hai trong sáu trường hợp đó:
- Bệnh nhân số 1:
Vào tháng 2 năm 2015, một bệnh nhân nam 51 tuổi phát hiện khối u giai đoạn II với một vết loét ở má trái kéo dài đến vùng răng hàm. Vào tháng 3, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt khối u. Từ tháng 6, khối u tái phát khiến cổ bên trái của bệnh nhân sưng tấy nhanh chóng. Kết quả kiểm tra cho thấy khối u đã di căn không thể cắt bỏ. Vào tháng 10 khối u lan rộng và tiết dịch. Do vết thương bị nhiễm vi khuẩn mở rộng và động mạch cảnh bên dưới dễ bị tổn thương, việc chăm sóc vết thương trở nên rất khó khăn. Một phương pháp điều trị ung thư giảm nhẹ hỗ trợ bằng CAP đã được bắt đầu với sự đồng thuận của bệnh nhân. Vùng phát triển khối u sau phẫu thuật, nằm ở cổ bên trái, được điều trị bằng kINPen® MED trong gần 5-6 phút với khoảng cách khoảng 10mm. Điều trị bằng CAP được tiếp tục thực hiện sau mỗi 2-3 ngày, vết thương được chăm sóc cùng với băng sát trùng.
- Bệnh nhân số 2:
Vào tháng 3 năm 2015, bệnh nhân nam 55 tuổi phát hiện một loại ung thư biểu mô tế bào giai đoạn II ở tầng trước miệng (khu vực dưới lưỡi, tiếp giáp với cổ). Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt khối u ngay sau đó. Tới tháng 10 năm 2015, khối u tái phát. Sau nhiều phương pháp điều trị kéo dài hơn 1 năm, khối u tiết dịch, phản ứng viêm rõ rệt. Kể từ tháng 3 năm 2016, một phương pháp điều trị ung thư giảm nhẹ được hỗ trợ bằng CAP đã được bắt đầu. Khu vực phát triển khối u được điều trị bằng kINPen® MED trong gần 4–5 phút cứ 2-3 ngày một lần sau đó được vệ sinh, chăm sóc cùng với băng sát trùng.
Kết quả quá trình điều trị vết thương ung thư bằng CAP cục bộ đã chứng minh CAP làm giảm sự xâm nhập của vi sinh vật, đặc biệt là vi trùng kỵ khí gây bệnh, và giảm phản ứng viêm mà không cần chạm vào vết thương .
Các khu vực khối u hoại tử bị nhiễm trùng nghiêm trọng được điều trị bởi CAP sạch mảnh vụn tế bào và vi khuẩn, nhờ đó dẫn đến giảm các sản phẩm phân hủy của vi khuẩn. Phần đáy vết thương được “phủ” một lớp fibrin sinh lý (fibrin là protein trong máu, thông thường có tác dụng bịt miệng vết thương). Do giảm tình trạng viêm tại chỗ, tình trạng dễ bị tổn thương, độ nhạy cảm của vết thương và nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau có thể giảm đáng kể. Bên cạnh đó, các triệu chứng liên quan, ví dụ như đau, chảy máu và mùi vết thương cũng được cải thiện, nhờ thế mà tinh thần của bệnh nhân cũng tốt hơn. Trong loạt công bố khoa học khác cũng của nhóm nghiên cứu trên, khối u giảm kích thước tới 80% trong một số trường hợp.
Phương pháp điều trị CAP nhẹ nhàng và không tiếp xúc nhưng chưa hẳn đảm bảo hoàn toàn không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, tất cả các tác dụng phụ hiện có và được mô tả chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình và không ảnh hưởng đến sự sẵn sàng điều trị của bệnh nhân. Do tốn nhiều thời gian để điều trị CAP cho các khu vực khối u lớn, một số bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi (tuy nhiên, để điều trị hiệu quả, không thể giảm thời gian điều trị trên cùng một cm2 vết thương do ung thư được). Cũng có bệnh nhân cảm thấy hơi khó chịu và hơi đau khi tia plasma dừng lại lâu ở một vị trí. Ngoài ra, nếu tăng quá mức thời lượng và mức độ thường xuyên sử dụng CAP cũng có thể kích hoạt phản ứng viêm như bị sưng tấy, chảy máu, đau ở vùng vết thương và nếu mùi khí ozone từ CAP quá nhiều cũng không dễ chịu.
Việc CAP có khả năng làm giảm kích thước của khối u được mô tả trong một vài trường hợp là rất hứa hẹn, nhưng người ta vẫn chưa hiểu được cặn kẽ nguyên do. Có thể là vì cạnh tranh dinh dưỡng giữa các tế bào ung thư và mức độ sản sinh collagen và chất nền ngoại bào trong phản ứng tạo mô xơ cũng như phản ứng miễn dịch thay đổi. Hơn nữa, việc giảm viêm do giảm sự xâm nhập của vi khuẩn khiến cho khối u mất chất kích thích để phát triển.
Ngoài khả năng diệt khuẩn, làm liền vết thương ở các bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm còn cho thấy CAP có khả năng tiêu diệt tế bào có chọn lọc. CAP có xu hướng giảm sự phát triển của các tế bào ung thư hơn là sự phát triển của các tế bào khỏe mạnh bằng cách kích hoạt quá trình chết tế bào ở các tế bào ung thư nhiều hơn các tế bào bình thường. Ngoài ra, CAP còn có khả năng phục hồi độ nhạy của tế bào ung thư kháng hóa trị với các loại thuốc cụ thể. Tuy nhiên, những nghiên cứu lâm sàng về vấn đề này vẫn chưa được thực hiện.
Nguồn: Comprehensive Clinical Plasma Medicine: Cold Physical Plasma for Medical Application (2018)
Ban Truyền thông – Viện Nghiên cứu Công nghệ Plasma