VỀ CHÚNG TÔI

ARIPT tiên phong ứng dụng công nghệ plasma vào đời sống tại Việt Nam

Plasma là trạng thái thứ tư của vật chất, bên cạnh thể rắn, thể lỏng và thể khí. Khác với ba thể còn lại, các nguyên tử và phân tử đều ở trạng thái trung hòa về điện, Plasma là chất khí bị ion hóa, nó cho phép các ion (các phân tử bị mất các electron) và các electron (điện tích âm) tự do cùng tồn tại. Với cấu trúc như vậy, các phân tử trong plasma tương tác với nhau và chịu ảnh hưởng của từ trường và điện trường mạnh mẽ và khác biệt hoàn toàn với bất cứ các thể khác của vật chất mà chúng ta thường biết.

Khoa học Plasma là một ngành tương đối trẻ, mở ra một chân trời nghiên cứu đầy hứa hẹn. Là những người nghiên cứu và theo dõi sự phát triển của Công nghệ Plasma trong những năm qua, chúng tôi cảm thấy phấn khích trước những khả năng mà nó mang lại trong tương lai. Chúng tôi muốn nghiên cứu và phát triển các ứng dụng công nghệ này để giải quyết những bài toán kinh tế – xã hội của Việt Nam. Đó là lí do ARIPT ra đời.

Bốn lĩnh vực nghiên cứu chính

ARIPT tập trung nghiên cứu và phát triển các ứng dụng của công nghệ plasma lạnh trong bốn lĩnh vực chính:

Công nghệ plasma trong chăm sóc sức khỏe

Y học plasma là một lĩnh vực nghiên cứu sáng tạo kết hợp giữa vật lý và khoa học đời sống, phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Plasma lạnh áp suất khí quyển được tạo ra nhờ những thiết bị plasma đặc biệt có thể điều trị trực tiếp trên bệnh nhân. Plasma có thể bất hoạt nhiều loại vi sinh vật bao gồm cả vi khuẩn đa kháng. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khoa học và thử nghiệm lâm sàng cho thấy plasma hỗ trợ chữa lành vết thương tự nhiên bằng cách kích thích tái tạo mô. 

Ngoài điều trị vết thương hở, chúng  tôi đang nghiên cứu các ứng dụng tiềm năng của plasma lạnh áp suất khí quyển trong nha khoa bao gồm các ứng dụng trực tiếp trên răng, trên cấy ghép, chỉnh hình và trên niêm mạc miệng. Tác dụng kháng khuẩn và chống viêm của plasma được sử dụng trong điều trị viêm quanh mô cấy ghép và trong điều trị tủy răng. 

Ngoài ra, công nghệ plasma còn có khả năng sửa đổi và tối ưu hóa bề mặt vật liệu áp dụng cho bề mặt răng, ví dụ bằng cách cải thiện khả năng thấm ướt để tối ưu hóa quá trình liên kết hoặc cải thiện độ bám dính của vật liệu trám răng hoặc để hỗ trợ sự phát triển của tế bào xương trên bề mặt cấy ghép.

Hơn thế nữa, với công nghệ plasma, việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất thuốc với kích thước nano, nano hoá các dược liệu đang dần trở nên hiệu quả. Công nghệ plasma đưa đến những tính chất ưu việt mới hay thay đổi kích thước và độ hòa tan của một số dược chất để dễ hấp thụ tăng khả năng sinh khả dụng.

Công nghệ Plasma trong sinh tổng hợp các vật liệu nano

Plasma ngày nay là công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực công nghệ nano. 

Plasma tạo ra các đặc tính bề mặt mới. Các quá trình xử lý bề mặt có sự hỗ trợ của plasma rất đa dạng như ăn mòn hoặc làm sạch chính xác, sửa đổi các đặc tính bề mặt, hoặc sản xuất các màng chức năng nhằm chống ăn mòn do nhiệt hoặc mài mòn cơ học và tạo lớp phủ quang học cho vật liệu. 

Tổng hợp vật liệu cấu trúc nano hoặc hạt nano bằng cách sử dụng quy trình plasma mở ra triển vọng mới trong nhiều lĩnh vực. Với công nghệ plasma, các quy trình sản xuất được kiểm soát tốt hơn, từ đó dẫn đến các sản phẩm cao cấp hơn.

Công nghệ plasma trong xử lý môi trường

Lĩnh vực nghiên cứu này tập trung vào việc phát triển và tối ưu hóa các quy trình plasma để loại bỏ ô nhiễm và vệ sinh môi trường. Công nghệ plasma được sử dụng để phân hủy các chất gây ô nhiễm sinh học và hóa học của các chất khí, chất lỏng và bề mặt chất rắn.

Công nghệ plasma trong nông nghiệp và thực phẩm

Cũng với khả năng diệt khuẩn, công nghệ plasma giúp bảo quản thực phẩm, rau, quả tươi lâu hơn sau khi thu hoạch, chế biến. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu ứng dụng plasma để loại bỏ các chất gây ô nhiễm trong thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn sử dụng các chế phẩm thân thiện với môi trường để diệt mầm bệnh trong quá trình nuôi trồng.

Dĩ nhiên, việc phân chia lĩnh vực như trên chỉ mang tính tương đối, trong nhiều trường hợp, giải pháp công nghệ của lĩnh vực này hoàn toàn có thể sử dụng trong lĩnh vực khác. Hơn nữa, để triển khai bốn nội dung nói trên, chúng tôi cũng liên tục nghiên cứu và phát triển Các nguồn phát plasma – là những công cụ phát plasma với những đặc điểm phù hợp và tối ưu nhất cả về khía cạnh công nghệ và chi phí với các đối tượng áp dụng khác nhau.

Chúng tôi sẵn sàng hợp tác R&D với Viện, Trường, Doanh nghiệp

Con đường đi từ phòng thí nghiệm đến thị trường là một quá trình hợp tác liên ngành, đòi hỏi chuyên môn ở nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy, cấu trúc của ARIPT được thiết kế “mở” để kết hợp nghiên cứu, phát triển với nhiều viện, trường, doanh nghiệp để có thể đi đến kết quả cuối cùng và chia sẻ lợi ích công bằng với những đối tác nếu sản phẩm và giải pháp được chuyển giao và thương mại hóa thành công.

Để thực hiện được điều này, chúng tôi là những người vừa có chuyên môn về nghiên cứu, vừa có kinh nghiệm về kinh doanh. Đội ngũ sáng lập của chúng tôi bao gồm: 

TS. Đỗ Hoàng Tùng

Kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu về Plasma. Tốt nghiệp tiến sĩ ngành Vật lý Plasma năm 2009 tại Đại học Greifswald – một trong những trường nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực này tại Đức. Anh đã phát minh ra máy PlasmaMed (đã được chuyển giao cho Công ty cổ phần công nghệ Plasma Việt Nam sản xuất và thương mại hoá), đưa Việt Nam thành một trong bốn quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ Plasma trong điều trị vết thương hở.

Th.S. Vũ Mai Hảo

Là người có kinh nghiệm trong việc thúc đẩy thương mại hóa các ý tưởng công nghệ từ khi công tác tại Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ từ năm 2013. Trước đây, chị đã tham gia nhiều dự án như Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) của Bộ Khoa học & Công nghệ nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam,  dự án Mekong Business Initiative của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), và dự án ImpactAIM của Các chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Chị Hảo cũng là người đóng góp lớn vào sự thành công của chương trình Shark Tank tại Việt Nam những năm qua.

TS. Nguyễn Trường Sơn

Kinh nghiệm 7 năm học tập và làm việc trong lĩnh vực plasma. Anh tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành vật lý Plasma năm 2022 tại đại học Sorbonne Paris Nord – Cộng hòa Pháp với luận án “Ứng dụng của công nghệ plamsa cho xử lý nước thải công nghiệp chứa kim loại nặng”. Anh cũng là một trong những thành viên của mạng lưới nghiên cứu công nghệ plasma lạnh tại cộng hòa Pháp (Réseau plasma foid – France), một trong những mạng lưới kết nối cộng đồng những nhà khoa học về công nghệ Plasma hàng đầu thế giới.