Một nghiên cứu lâm sàng về tác dụng phối hợp của plasma lạnh trong điều trị nhiễm khuẩn vết mổ nông thành bụng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chỉ ra hiệu quả hỗ trợ tăng tốc độ biểu mô hóa vết thương dẫn tới rút ngắn thời gian khâu lại vết mổ và thời gian nằm viện của phương pháp chiếu tia plasma lạnh.
Nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) là một biến chứng thường gặp sau mổ tại các bệnh viện, chiếm 13.3% trong các ca nhiễm khuẩn sau mổ đẻ. NKVM nông xảy sau trong 30 ngày sau phẫu thuật và chỉ xuất hiện tại vùng da hoặc vùng dưới da tại đường mổ. Năm 2016, tỷ lệ NKVM sau mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (BVPSTW) là 14,15%. Tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng tăng lên hằng năm do tỷ lệ các ca mổ lấy thai tăng. Vi khuẩn phát triển trong môi trường vết mổ khiến cho vết mổ chậm lành, gây ra trạng thái nhiễm khuẩn tại chỗ, nếu không được kiểm soát có thể tiến triển thành nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm độc do độc tố của vi khuẩn. Đặc biệt, trước tình trạng kháng kháng sinh gây khó khăn trong điều trị, khả năng diệt khuẩn của plasma lạnh có thể chính là giải pháp mà chúng ta tìm kiếm.
Nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ 1/6/2017 đến 30/7/2018. Sau khi thăm khám lâm sàng và đánh giá vết mổ, các bệnh nhân có vết mổ đủ điều kiện tham gia nghiên cứu được chia thành 2 nhóm. Nhóm không chiếu tia plasma lạnh gồm 41 bệnh nhân và nhóm được chiếu tia plasma lạnh gồm 37 bệnh nhân. Cả hai nhóm này đều được điều trị cùng các loại kháng sinh kết hợp cùng chăm sóc vết thương thường quy. Sau khi vệ sinh vết mổ, nhóm được chiếu tia plasma sẽ được điều trị bằng thiết bị PlasmaMED 1 lần/ngày, thời gian chiếu ít nhất 10s trên điểm tổn thương với tốc độ di chuyển đầu chiếu 5mm/s. Quy trình này sẽ được lặp lại đến khi vết mổ đã lên tổ chức hạt. Trong quá trình điều trị, vết mổ ở cả hai nhóm sẽ được theo dõi và thu thập các số liệu để tiến hành đánh giá và so sánh dựa trên các yếu tố: thời gian hết sốt; thời gian lên tổ chức hạt; khâu vết mổ; thời gian nằm viện và đánh giá tác dụng phụ.
Đánh giá số liệu thu thập được cho thấy thời gian lên tổ chức hạt trung bình ở nhóm có chiếu tia plasma là 5 ngày nhanh hơn so với nhóm không chiếu tia plasma với thời gian trung bình là 7 ngày. Thời gian vết mổ được khâu lại ở nhóm được chiếu tia plasma là 5 ngày cũng ngắn hơn tương đối so với nhóm còn lại mất thời gian trung bình 5 ngày. Đồng thời, thời gian nằm viện trung bình của nhóm được chiếu tia plasma là 6 ngày ngắn hơn so với nhóm không được chiếu với 8 ngày nằm viện trung bình. Số liệu này đã thể hiện sự liên kết giữa các kết quả điều trị, plasma lạnh kích thích các mô hạt phát triển, đẩy nhanh tiến độ biểu mô hóa vết mổ, từ đó rút ngắn thời gian khâu lại vết mổ thành bụng giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân. Điều này có thể được lý giải bởi tác dụng của tia plasma làm giảm số lượng vi sinh vật tại vết mổ, đồng thời kích thích phát triển mạch máu nuôi dưỡng và các sợi Collagen làm cho quá trình phát triển tổ chức hạt tốt hơn nhóm không chiếu plasma.
Bên cạnh đó, các số liệu thu thập được cũng cho thấy, ở nhóm chiếu tia plasma lạnh, thời gian nằm viện trung bình của các bệnh nhân có diện tích vết mổ dưới 10cm² là 5 ngày và ở các bệnh nhân có diện tích vết mổ trên 10cm² là 6 ngày. Có thể nhận thấy không có sự khác biệt quá lớn về mặt thời gian nằm viện giữa 2 nhóm bệnh nhân này. Việc điều trị nhiễm khuẩn vết mổ bằng tia plasma lạnh làm rút ngắn thời gian nằm viện mà không phụ thuộc vào diện tích vết mổ.
Khảo sát về cảm giác của bệnh nhân đối với tia plasma được thực hiện trên 3 mức độ là Rát, Đau và Ngứa. Trong 37 bệnh nhân tham gia nghiên cứu: có 5 người cảm thấy rát; 8 người cảm thấy đau và 7 người cảm thấy ngứa. Không có bệnh nhân nào phải ngừng điều trị do tác dụng phụ của CAP. Từ đó cho thấy tác dụng phụ của plasma lạnh là thấp, không ảnh hưởng đến toàn thân đồng thời không để lại di chứng sau này.
Nghiên cứu này đã đặt cơ sở cho kiến nghị áp dụng phương pháp chiếu tia plasma lạnh kết hợp quy trình chăm sóc thường quy trong điều trị nhiễm khuẩn vết mổ nông nhờ hiệu quả rút ngắn thời gian liền thương cũng như giảm thời gian sử dụng kháng sinh.
Ban Truyền thông – Viện Nghiên cứu Công nghệ Plasma