Theo một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên được đăng trên tạp chí Jama Network, nhóm các nhà nghiên cứu đã chứng minh được vết loét bàn chân, một biến chứng thường gặp của người mắc bệnh tiểu đường khi được chiếu tia plasma lạnh có thể giúp giảm diện tích tới 25 % và thời gian hồi phục cũng giảm đi 10% so với thông thường.
Loét bàn chân là một biến chứng phổ biến thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Nguồn gốc sinh ra biến chứng loét bàn chân là do các tổn thương về thần kinh, mạch máu và yếu tố nhiễm khuẩn trên người bệnh. Khi biến chứng này diễn biến nặng hơn người bệnh có thể phải cắt cụt chi dưới, để lại di chứng nặng nề về sau. Chủ động theo dõi sức khỏe sẽ giúp bệnh nhân sớm phát hiện ra các vết loét khi mới hình thành để có hướng điều trị tốt nhất, tránh dẫn tới tình trạng mãn tính. Cụ thể bước tiếp cận vô cùng quan trọng không thể bỏ qua đó là khử khuẩn và đóng miệng vết thương.
Hiện nay, công nghệ plasma lạnh đã được ứng dụng vào nhiều khía cạnh của sinh học và y tế. Đặc biệt với công dụng kháng khuẩn, giúp vết thương hở nhanh hồi phục, biểu bì mọc tốt, phương pháp chiếu tia plasma lạnh đã được ứng dụng để chăm sóc vết thương của bệnh nhân sau phẫu thuật tại nhiều bệnh viện, phòng khám.
Nhận thấy tiềm năng plasma lạnh trong việc điều trị vết loét của bệnh nhân tiểu đường, một nhóm các nhà nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên tại phòng khám Herz-und Diabeteszentrum của Đại học Nordrhein Westfalen và phòng khám Klinikum Karlsburg. Thử nghiệm này nhằm mục đích đo lường mức độ hiệu quả của phương pháp chiếu tia plasma lạnh so với phương pháp thông thường trong quá trình chữa lành các vết loét ở chân do bệnh tiểu đường gây ra.
Đối tượng của nghiên cứu là các bệnh nhân mắc tiểu đường loại 1 hoặc tiểu đường loại 2 có ít nhất 1 vết loét mãn tính tồn tại trong ít nhất 3 tuần. Thử nghiệm được thực hiện trên cả các vết loét nhẹ ngoài da và các vết loét đã nhiễm trùng kéo dài tới gân. Các vết loét được phân loại rồi đánh giá dựa trên các yếu tố giới tính, độ tuổi và tình trạng hút thuốc của bệnh nhân.
Trong quá trình thu thập mẫu cho thử nghiệm từ ngày 17/8/2016 đến ngày 20/4/2019 đã thu được 65 vết thương từ 45 bệnh nhân. Sau khi phân loại ngẫu nhiên, 33 vết thươg từ 29 bệnh nhân được chỉ định cho nhóm điều trị bằng cách chiếu tia plasma lạnh và 32 vết thương từ 28 bệnh nhân điều trị bằng phương pháp giả dược.
Lộ trình điều trị bằng phương pháp plasma lạnh bao gồm 5 ngày chiếu tia liên tục mỗi ngày một lần, sau đó giảm xuống còn 8 lần trong vòng 14 ngày. Tại mỗi lần xử lý, tia plasma lạnh được chiếu với liều lượng 30s/cm2 kết hợp sử dụng miếng đệm vô trùng để đảm bảo khoảng cách tối ưu đến về mặt vết thương. Đối với các bệnh nhân được chỉ định phương pháp giả dược, lộ trình điều trị sẽ giống với phương pháp plasma lạnh. Tuy nhiên, quá trình chiếu tia sẽ thực hiện với thiết bị đã ngắt điện, đồng thời các âm thanh giả của máy cũng được thêm vào để tăng tính chính xác cho phương pháp giả dược. Trước khi chiếu tia xử lý vết thương, các bác sĩ sẽ trực tiếp kiểm tra và đánh giá các yếu tố như diện tích bề mặt vết thương, các triệu chứng nhiễm trùng và nhiễm khuẩn. Đồng thời các vết thương cũng được đo bằng thước, chụp ảnh làm tư liệu kiểm tra chéo, đảm bảo tính chính xác, khách quan. Các đánh giá, phân tích số liệu được thực hiện liên tục sau mỗi lần chiếu tia trong giai đoạn 2 với 8 lần điều trị trong 14 ngày để so sánh và đo lường hiệu quả giữa 2 phương pháp. Đánh giá số 9 diễn ra từ 2 đến 3 ngày sau lần điều trị cuối cùng.
Kết quả cuối cùng chỉ ra phương pháp chiếu tia plasma lạnh mang lại hiệu quả vượt trội trong việc chữa lành, đóng miệng vết thương mãn tính. Tại lần đánh giá số 9, phương pháp plasma lạnh đã thể hiện sự cải thiện tuyệt vời với diện tích vết thương còn lại chỉ 30,5%. Trong khi đó, với phương pháp giả dược vùng vết thương còn lại tới 55,2%. Không chỉ hỗ trợ giảm tổng diện tích trung bình của vết loét tới 25% so với phương pháp giả dược, thử nghiệm còn chỉ ra plasma lạnh giúp rút ngắn thời gian hồi phục, đóng miệng vết thương trung bình. Tại lần đánh giá số 9, tất cả các bệnh nhân được chiếu tia plasma lạnh đều đạt mốc rút ngắn 10% thời gian hồi phục vết thương như các nhà khoa học tham gia thử nghiệm đã tiên lượng trước khi thực hiện phân tích số liệu. Trong khi đó, với cùng số ngày điều trị như nhau, có 3 bệnh nhân trong nhóm giả dược không đạt được mốc này.
Thử nghiệm này không chỉ ra được sự khác biệt đáng kể nào giữa phương pháp plasma lạnh và phương pháp giả dược trong việc giảm nhiễm trùng và lượng vi khuẩn trong vết loét. Nguyên nhân dẫn tới kết quả này là do thử nghiệm vẫn cho phép bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh trong quá trình tham gia, dẫn tới hiệu quả kháng khuẩn giữa hai phương pháp điều trị thiếu tính khách quan để đo lường. Mặt khác đây cũng là tiền đề tiềm năng cho các nghiên cứu sau tiếp tục phát triển và chứng minh.
Ban Truyền thông của Viện Nghiên cứu Công nghệ Plasma