Plasma lạnh giúp khử khuẩn, làm lành vết thương bỏng độ 2, độ 3 nông

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sử dụng máy PlasmaMed cho bệnh nhân bỏng được thực hiện tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội cho thấy chiếu tia plasma có thể giúp vết bỏng được diệt khuẩn tốt hơn phương pháp xử lý thông thường và kháng sinh, giảm 10.000 lần số lượng trực khuẩn – loại vi khuẩn phổ biến trên nền vết thương, không để lại phản ứng phụ.

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sử dụng máy PlasmaMed cho bệnh nhân bỏng được thực hiện tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội cho thấy chiếu tia plasma có thể giúp vết bỏng được diệt khuẩn tốt hơn phương pháp xử lý thông thường và kháng sinh, giảm 10.000 lần số lượng trực khuẩn – loại vi khuẩn phổ biến trên nền vết thương, không để lại phản ứng phụ.

Các vết thương do bỏng là điều dễ gặp trong sinh hoạt thường ngày cũng như quá trình lao động của chúng ta. Nguyên nhân dẫn tới bỏng có thể là do nhiệt độ, hóa chất, điện,… nhưng phần lớn là do nhiệt. Khi bị bỏng, cơ thể mất đi hàng rào bảo vệ là da, tạo cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập. Phần lớn các vết bỏng bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn và mầm bệnh nguy hiểm, nếu không được vệ sinh, xử lý kịp thời và đúng cách vi khuẩn sẽ phát triển khiến cho vết thương chậm lành, ghép da tái tạo thất bại. Thậm chí nếu không được kiểm soát, nhiễm trùng có thể lan ra toàn bộ cơ thể dẫn hoại tử, tử vong. Hiện nay, hướng điều trị chủ yếu đối với bệnh nhân bỏng là sự kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh và các biện pháp trị liệu để đẩy nhanh quá trình phục hồi của vết thương.

Thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện Việt Đức đã sử dụng thiết bị phát plasma lạnh PlasmaMed để đo lường mức độ hiệu quả và an toàn của tia plasma trong quá trình chữa trị vết thương do bỏng. Nghiên cứu được thực hiện trên quy mô 52 bệnh nhân bỏng độ 2, độ 3 nông với diện tích vết bỏng dưới 20% diện tích cơ thể và thời gian nhập viện từ thời điểm bị bỏng không quá 48 giờ. Hồ sơ bệnh án chỉ ra, số bệnh nhân nam chiếm 67,31% trong đợt quan sát. Nguyên nhân chính của các vết thương là do tai nạn giao thông và tai nạn lao động.

Để đảm bảo tính nhất quán và khách quan, vết thương sẽ được chia thành 2 khu vực. Khu vực A là vùng bỏng được xử lý bằng plasma nằm ở góc dưới, bên phải (góc nhìn tính từ chân bệnh nhân). Khu vực B là vùng kiểm soát, đối chiếu nằm ở bên trái vết bỏng. Sau khi đánh dấu và chụp ảnh, lấy mẫu xét nghiệm vi khuẩn ở các vùng, toàn bộ vết bỏng sẽ được xử lý và làm sạch theo quy trình thông thường. Khu vực A được bổ sung chiếu tia plasma lạnh bằng máy PlasmaMed với liều lượng 10s/cm2, đầu chùm tia plasma được giữ cách vết thương trên 2 – 5 mm. Sau đó, bề mặt vết bỏng được làm sạch, đặt gạc và băng bó kín. Quy trình được lặp lại sau mỗi 48 giờ đến khi khu vực A hoặc B được chữa lành. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân có chỉ số nhiễm trùng máu thấp, tia plasma sẽ được chiếu lên toàn bộ vết bỏng mà không cần khu vực B.

Kết quả thể hiện ở các nhóm bệnh nhân khác nhau đều cho thấy plasma có hiệu quả vượt trội trong diệt khuẩn so với vết bỏng được điều trị bằng phương pháp thông thường và kháng sinh ở khu vực kiểm soát. Hầu hết bệnh nhân ở nhóm có chỉ số nhiễm’ trùng máu thấp được chiếu tia plasma lạnh lên toàn bộ vết thương. Qua 5 ngày điều trị có 9 trường hợp trong nhóm này cho thấy phản ứng viêm xảy ra do nhiễm trùng giảm đáng kể dưới tác dụng của plasma lạnh. Các trường hợp còn lại chỉ số nhiễm trùng tăng có thể do lây nhiễm chéo trong môi trường bệnh viện hoặc vi khuẩn phát triển trong vùng kiểm soát lây lan. Đối với nhóm có chỉ số nhiễm trùng máu vừa phải, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh toàn thân song song với phương pháp chiếu tia plasma. Tại ngày điều trị thứ 5, trên vết thương của 6/8 bệnh nhân nồng độ vi khuẩn giảm đáng kể. Đặc biệt, trong nhóm bệnh nhân có nồng độ nhiễm trùng máu từ cao đến nặng, xuất hiện trường hợp có chỉ số tăng đột ngột sau 5 ngày điều trị. Tuy nhiên tại khu vực nghiên cứu, sau khi chiếu tia plasma, nồng độ vi khuẩn của bệnh nhân này giảm ngay 10 lần so với khu vực kiểm soát. Ngoài ra, plasma lạnh còn thể hiện tính đặc hiệu với chủng trực khuẩn, loại vi khuẩn phổ biến trên nền vết thương, với khả năng giảm đến 10000 lần loại vi khuẩn này trong quá trình nghiên cứu.

Đồng thời, khảo sát ý kiến của bệnh nhân sau khi trải nghiệm phương pháp chiếu tia plasma lạnh cũng chỉ ra không có trường hợp nào gặp phải tác dụng phụ, bệnh nhân cảm thấy mát mẻ, ít ngứa, nhanh khô và lành, phục hồi tốt.

Ban Truyền thông của Viện Nghiên cứu Công nghệ Plasma

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *