Nano bạc – Nguyên liệu để làm gạc băng bó vết thương lí tưởng

Thế nào là một gạc băng bó vết thương “hoàn hảo”?

Vật liệu làm gạc băng vết thương cần hội tụ được những đặc điểm sau:

+ độ thẩm thấu hơi nước (WVTR) tốt để giữ ẩm vết thương, không gây ra hiện tượng mất nước hoặc phù viêm; 

+ có khả năng hút các dịch và những “chất dinh dưỡng” có khả năng nuôi vi khuẩn do vết thương tiết ra

+ thoáng khí để bề mặt da đủ oxy cho hoạt động liền thương;

+ đóng vai trò như một tấm chắn để ngăn ngừa hoặc tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập làm nhiễm trùng vết thương

+ không gây độc hại cho những làn da nhạy cảm, nhất là da trẻ sơ sinh

Nano bạc – một chất kháng khuẩn hiệu quả ngay lập tức trở thành ứng cử viên kết hợp với các vật liệu khác để tạo ra vật liệu băng bó vết thương lí tưởng. 

Nano bạc kết hợp với sợi nano

Sợi nano – loại sợi có đường kính hay độ dày cỡ nano mét vốn đã là một vật liệu đầy tiềm năng để làm gạc: có độ xốp cao, kích thước lỗ hổng nhỏ, tỉ lệ giữa diện tích và thể tích lớn khiến chúng vừa giữ ẩm, vừa hút dịch, vừa thoáng khí. 

Đã có hàng chục thử nghiệm kết hợp các sợi nano từ nhiều chất khác nhau với nano bạc và đều cho kết quả khả quan. Gần đây, vào năm 2018, một nhóm các nhà khoa học ở Việt Nam đã thử nghiệm gạc làm từ sợi nano từ polycaprolactone (gọi tắt là PCL – một loại polyester có khả năng phân hủy sinh học) được phủ lớp gelatin chứa nano bạc. Kết quả cho thấy càng phủ nhiều lớp thì tính diệt khuẩn của loại gạc này càng tăng và càng dễ tách gạc khỏi vết thương. Hơn nữa, gạc phủ 6 lớp cũng đẩy nhanh tốc độ liền thương gấp 6 lần so với PCL đơn thuần không phủ lớp nano bạc.

Hydrogel “ngậm” nano bạc

Hydrogel là một loại polymer có khả năng hấp thụ và giữ lượng nước/chất lỏng gấp hàng trăm lần khối lượng của chính nó. Vật liệu này đã thu hút nhiều sự chú ý trong lĩnh vực công nghệ mô bởi nó có thể được cơ thể hấp thụ và tạo ra môi trường tăng sinh tế bào – vô cùng lí tưởng cho quá trình liền thương. 

Một nghiên cứu ở Pakistan tạo ra hydrogel làm từ chitosan – polyethylene

glycol (gọi tắt là PEG) chứa nano bạc và thử nghiệm trên thỏ bị tiểu đường. Kết quả cho thấy vật liệu nano bạc kết hợp PEG này vừa có độ thấm hơi nước, khả năng giữ dịch và nước, tính kháng khuẩn vượt trội so với chỉ sử dụng một mình PEG hay nano bạc. Đó còn chưa kể vật liệu này “nhả” nano bạc từ từ trong suốt nhiều ngày, như một tấm khiên bền bỉ ngăn chặn vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào vết thương. Các nhà khoa học cho rằng, đây là một vật liệu hứa hẹn để trị các vết thương mãn tính do tiểu đường. 

Nano bạc kết hợp với các vật liệu khác

Ngoài hai vật liệu trên, gần đây còn có một số thử nghiệm kết hợp nano bạc với các vật liệu composite, foam (mút), film tạo thành từ các các đại phân tử có trong tự nhiên như cellulose, alginate (một loại muối trong tảo nâu), colagen polyurethane háo nước. 

Các nhà khoa học ở Trung Quốc đã phát triển một loại gạc nanocomposite collagen-alginate kết hợp với nano bạc và cho thấy hiệu quả diệt khuẩn vượt trội của chất liệu nhân tạo này, đặc biệt là đối với E.coli và S.aureus. Một kết quả khác, cũng ở Trung Quốc, kết hợp một loại vật liệu cotton PCG với nano bạc thì cho thấy khả năng thấm hút nước và kháng khuẩn xuất sắc. Đặc biệt là thử nghiệm trên động vật đều cho thấy các loại gạc vật liệu mới này đều không gây hại cho tế bào và đều thúc đẩy quá trình liền thương. 

Nguồn: https://doi.org/10.1039/C9NR08234D

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *