Điều trị vết thương cấp tính ở bệnh nhân tiểu đường bằng phương pháp chiếu tia plasma lạnh

Một nghiên cứu lâm sàng thực hiện bởi ARIPT đăng trên tạp chí Y học Việt Nam số 1 tháng 8/2021 đã ghi lại trường hợp đầu tiên sử dụng phương pháp chiếu tia plasma lạnh (CAP) điều trị vết thương cấp tính diện rộng, phức tạp trên bệnh nhân có bệnh lý nền một cách hiệu quả. 

Trường hợp được ghi nhận trong nghiên cứu là  một bệnh nhân nam 62 tuổi có bệnh nền tiểu đường nhập viện vì tai nạn giao thông dẫn tới nhiều vết thương phần mềm phức tạp vùng hàm mặt, cánh tay. Cụ thể bao gồm: một vết thương hàm mặt có kích thước lớn với diện rách rộng, đáy vết thương sâu gây nên nhiều biến dạng trên mặt bệnh nhân; và một vết thương lóc da cẳng tay với diện tích lớn. 

Trong vòng 24h kể từ khi tổn thương, bệnh nhân đã được điều trị bằng CAP. Trước đó, bệnh nhân được cắt lọc, làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý và không sử dụng thêm bất kỳ một phương pháp chăm sóc tại chỗ nào khác. Bệnh nhân được chiếu tia CAP từ máy  PlasmaMED (Thiết bị đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho hoạt động điều trị bệnh lý da) sử dụng khí Argon với lưu lượng dòng khí là 8L/phút, chiều dài chùm tia là 10mm. Vào một thời điểm nhất định hằng ngày, sau khi làm sạch bề mặt, toàn bộ vết thương được chiếu tia CAP với thời gian là 30s/cm². Tại mỗi lần điều trị, tình trạng vết thương sẽ được chụp ảnh để xác định kích thước và theo dõi tốc độ liền thương.

Kết quả sau 5 tuần điều trị cho thấy vết thương hàm mặt của bệnh nhân tiến triển tích cực, tình trạng viêm giảm nhanh, lượng dịch tiết giảm nhanh ở tuần thứ 2 trở đi. Tỷ lệ biểu mô hóa của vết thương cũng tăng dần và đạt 40% sau 2 tuần điều trị, ở tuần thứ 5 đã đạt biểu mô hóa hoàn toàn. Đặc biệt, song song với tốc độ liền thương, khả năng phục hồi cơ vùng mặt của bệnh nhân cũng diễn biến tốt. Sau 5 tuần điều trị các cơ vùng mặt đã phục hồi cơ năng hoàn toàn. 

Đối với vết thương lóc da cẳng tay của bệnh nhân, quá trình điều trị bằng CAP cũng đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Ngay trong tuần điều trị đầu tiên, tỉ lệ mô hoại tử đã giảm nhanh và hết hoàn toàn khi sang tuần thứ 2. Tình trạng viêm cũng như dịch tiết giảm sau 2 tuần điều trị, đồng thời tỉ lệ mô hạt tăng nhanh. Tỷ lệ biểu mô hóa cũng tăng dần trong quá trình điều trị và đạt tối đa sau 5 tuần. 

Sau mỗi lần điều trị CAP, bệnh nhân được hỏi về cảm giác tại vị trí chiếu tia trong và sau mỗi lần chiếu tia theo ba mức tăng dần (1-Không, 2-mức độ nhẹ, 3-mức độ nặng, gây khó chịu). Nếu bệnh nhân có ghi nhận cảm giác đau, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá mức độ từ 0-10. Trong và sau điều trị, bệnh nhân không có cảm giác nào. 

Khác với quá trình liền thương sinh lý, bệnh nhân tiểu đường thường bị rối loạn liền thương, có nguy cơ bị phản ứng viêm kéo dài và khó tái tạo mô mới. So với những bệnh nhân bình thường, vì vậy, vết thương của bệnh nhân tiểu đường thường chậm liền, dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị với bệnh nhân nói trên, các tác giả nghiên cứu cho thấy tình trạng viêm tại chỗ ở bệnh nhân giảm rõ rệt chỉ sau một tuần điều trị. 

Điều này mở ra cơ hội mới trong điều trị vết thương ở bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là điều trị nội trú trong môi trường bệnh viện vốn tiềm ẩn nhiều vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn kháng kháng sinh. 

Ban Truyền thông – Viện Nghiên cứu Công nghệ Plasma

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *