Đánh giá tác dụng plasma lạnh (GAP) trong điều trị vết thương thực nghiệm trên mô hình động vật

Nghiên cứu “Đánh giá tác dụng chiếu tia plasma lạnh (GAP) điều trị vết thương thực nghiệm trên động vật” đã cho thấy chiếu tia plasma lạnh giúp giảm mức độ nhiễm khuẩn của vết thương, nhanh lành vết thương và an toàn với cơ thể động vật – đây là tiền đề quan trọng để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.

Thí nghiệm được thực hiện trên 10 cá thể thỏ trắng gồm cả hai giống (đực và cái), đạt tiêu chuẩn thí nghiệm, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, lông trắng mượt, không có bệnh ngoài da và đường tiêu hóa, trọng lượng 1,6 – 1,9 kg. Thỏ nghiên cứu được đưa về nơi thực nghiệm trước vài ngày để chăn nuôi theo một chế độ nhất định và theo dõi tình trạng sức khoẻ. Sau đó tại phòng thí nghiệm, thỏ được cố định vào bàn chuyên dụng, cạo sạch lông vùng lưng (nơi tạo tổn thương và rộng hơn vết thương). Trên lưng của cùng một thỏ, sử dụng dao mổ tạo 2 vết thương hình tròn có đường kính 4cm đối xứng nhau. Vùng A (ở lưng bên phải) là vùng nghiên cứu điều trị bằng Vaseline kết hợp sử dụng plasma. Vùng B (ở lưng bên trái) là vùng đối chứng điều trị bằng Vaseline đơn thuần. Sau khi xử lý vết thương như trên người (cầm máu, băng) thỏ nghiên cứu được thay băng và chiếu Plasma mỗi ngày 1 lần, mỗi lần chiếu vuông góc, cách bề mặt vết thương 1cm với thời gian chiếu 60s/cm2, đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn. Quá trình thay băng và sử dụng Plasma lặp lại mỗi ngày đến khi tổn thương khỏi hoàn toàn.

Nhận xét: 

– Ở vùng A vết thương được chiếu plasma đều khô hơn so với vùng B, nền vết thương hồng, bờ mép viêm nề nhẹ. Sau khi rửa vết thương và chiếu Plasma vết thương se khô rõ rệt và nền vết thương hồng hơn. Trong khi ở vùng B vết thương tiết dịch nhiều, nền vết thương nhợt nhạt.

– Từ ngày thứ 5 trở đi, vết thương ở vùng B có chiều hướng co kéo mạnh theo chiều ngang, tạo thành sẹo hơi lồi hơn bề mặt da khi liền lại. Vùng A chỉ co kéo nhẹ ở bờ mép nên vết thương sau khi khỏi có nền phẳng hơn.

Ngày 

Vết thương
Vùng A 

Vùng B 

Ngày 5

– Viêm nề nhẹ

– Ít dịch tiết,

– Nhiều vảy tiết, ít giả mạc.

– Nền hồng

– Bắt đầu có biểu mô từ bờ mép

– Không có phản ứng dị ứng

– Viêm nề

– Nhiều dịch tiết.

– Nhiều vảy tiết và giả mạc.

– Nền nhợt nhạt

– Co kéo rõ rệt

– Không có phản ứng dị ứng

Ngày 10

– Viêm nề nhẹ

– Ít dịch tiết, khô

– Ít vảy tiết.

– Nền hồng

– Có biểu mô rõ rệt, co kéo nhẹ bờ mép

– Viêm nề nhẹ

– Tiết dịch vừa

– Ít vảy tiết và giả mạc.

– Nền hồng nhạt

– Có biểu mô rõ, co kéo rõ rệt

Ngày 20

– Không viêm

– Biểu mô hoàn toàn

– Sẹo mềm và phẳng

– Không viêm

– Biểu mô hoàn toàn

– Sẹo chắc hơn và gồ cao so với da lành xung quanh

– Quá trình thu thập mẫu và thực hiện các xét nghiệm vi sinh tại cả 2 vùng cho thấy tần suất vi khuẩn xuất hiện tại vết thương giảm nhanh sau chiếu plasma. Sau 5 ngày nghiên cứu, vùng vết thương được chiếu plasma cho kết quả xét nghiệm vi khuẩn âm tính, trong khi vùng vết thương đối chứng chỉ đắp vaseline đơn thuần vẫn có 70% số vết thương cho kết quả xét nghiệm vi khuẩn dương tính.

– Chiếu Plasma để điều trị vết thương không gây ảnh hưởng đến các triệu chứng toàn thân của thỏ. Trọng lượng thỏ không thay đổi nhiều trong quá trình nghiên cứu. Sau 5 ngày điều trị thỏ giảm cân nhẹ, sau đó tăng cân trở lại. Thỏ ăn uống, hoạt động bình thường cho đến khi kết thúc đợt thí nghiệm.

Ban Truyền thông của Viện Nghiên cứu Công nghệ Plasma

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *