Chiếu tia plasma lạnh giúp diệt khuẩn nền vết thương phần mềm an toàn và hiệu quả

Nghiên cứu lâm sàng có đối chứng trên các bệnh nhân có vết thương phần mềm xuất hiện dấu hiệu viêm nhiễm tại Bệnh viện HN Việt Đức đã cho thấy tia plasma lạnh có khả năng làm giảm trên 72,43% phản ứng viêm do nhiễm khuẩn. Đồng thời, phương pháp điều trị này không để lại tác dụng phụ nào trong suốt quá trình diễn ra thử nghiệm.

Nghiên cứu lâm sàng có đối chứng trên các bệnh nhân có vết thương phần mềm xuất hiện dấu hiệu viêm nhiễm tại Bệnh viện HN Việt Đức đã cho thấy tia plasma lạnh có khả năng làm giảm trên 72,43% phản ứng viêm do nhiễm khuẩn. Đồng thời, phương pháp điều trị này không để lại tác dụng phụ nào trong suốt quá trình diễn ra thử nghiệm.

Thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên 31 bệnh nhân tình nguyện tham gia từ tháng 8 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018, để đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của tia plasma lạnh (do máy Plasma-MED phát ra) trong quá trình chữa trị vết thương phần mềm không lộ xương. Tất cả các vết thương tham gia vào thử nghiệm đều được lựa chọn dựa trên tiêu chí không bị tổn thương lộ gân, xương, mạch máu; không bị hoại tử hoặc nhiễm trùng có dịch mủ và có chỉ số vi khuẩn trên nền vết thương phù hợp.

Các bệnh nhân được chia thành 2 nhóm dựa trên chỉ số nhiễm trùng máu (PCT). Nhóm bệnh nhân có chỉ số PCT thấp gồm 11 bệnh nhân sẽ được chiếu plasma lên toàn bộ vết thương. Đối với nhóm 20 bệnh nhân còn lại xuất hiện phản ứng viêm rõ rệt, vết thương được phân chia thành 2 vùng là vùng nghiên cứu và vùng đối chứng.

Vùng đối chứng nằm phía bên trái được điều trị theo phương pháp thông thường; vùng nghiên cứu nằm bên phải sẽ được chiếu tia plasma lạnh bằng máy Plasma-MED sau khi làm sạch và điều trị vết thương theo quy trình bình thường 1 lần/ngày với liều 20s/cm2, đầu phát tia plasma lạnh được giữ cách vết thương khoảng 2 – 5 mm. Đồng thời, các biểu hiện bên ngoài trên bề mặt vết thương sẽ được chụp ảnh lưu trữ để so sánh, đối chiều sau này.

Kết quả thu được ở cả 2 nhóm bệnh nhân đều thể hiện khả năng diệt khuẩn vượt trội của phương pháp chiếu tia plasma lạnh so với vùng đối chứng. Đánh giá dựa trên chỉ số PCT cho thấy, ở nhóm bệnh nhân không có vùng đối chứng 10/11 bệnh nhân có chỉ số PCT giảm sau 5 ngày điều trị, đồng thời phản ứng viêm do nhiễm khuẩn cũng giảm đáng kể ở nhóm này. Đối với nhóm bệnh nhân có vùng đối chứng, 18/20 bệnh nhân có giảm rõ rệt chỉ số PCT sau 5 ngày điều trị. Đặc biệt, phản ứng viêm do nhiễm khuẩn ở nhóm có vùng đối chứng giảm trên 72,43%. Ngay tại ngày đầu chiếu tia plasma lạnh đã thể hiện rõ rệt tính đặc hiệu diệt khuẩn đối với vi khuẩn trên nền vết thương của các bệnh nhân có vùng đối chứng.

Khảo sát ý kiến của bệnh nhân trong quá trình điều trị vết thương bằng phương pháp chiếu tia plasma lạnh, nhóm nghiên cứu thu thập được 26 phiếu, với tỷ lệ 100% có cảm giác dễ chịu sau khi được chiếu tia. Không có trường hợp nào gặp vấn đề như: cảm giác nóng, bỏng, rát, ngứa, điện giật hay bất kỳ phản ứng không mong muốn nào khác.

BÀN LUẬN

Nhiễm khuẩn vết thương phần mềm (bao gồm cả vết mổ hay vết loét…) là tình trạng thường gặp tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế khác. Trong đó có không ít các trường hợp nghiêm trọng dẫn đến hoại tử tiến triển, kéo dài, lan rộng rất khó điều trị, thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc nghiên cứu phương pháp mới điều trị vết thương phần mềm bằng chiếu tia plasma lạnh, làm phong phú thêm các phương pháp điều trị là rất cần thiết, phương pháp này an toàn và hiệu quả. Đặc biệt tia plasma lạnh có tác dụng diệt khuẩn đối với cả vi khuẩn kháng kháng sinh, mà các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh hiện nay trên thế giới và nước ta đang có xu hướng phát triển, là mối nguy cơ, đe dọa lớn nhất đối với các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó vết thương phần mềm.

Ban Truyền thông của Viện Nghiên cứu Công nghệ Plasma

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *